Nhiệt miệng là một trong những hiện tượng bệnh lý mà chúng ta thường xuyên dễ dàng gặp phải và ngay cả trẻ nhỏ sơ sinh cũng không tránh khỏi. Khi bị nhiệt miệng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến vấn đề sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, chính vì vậy mà việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao hay bị nhiệt miệng sẽ giúp việc phòng bệnh được tốt hơn.
Nhiệt miệng là gì?
Nơi xuất hiện các vết lở thông thường là mặt trong má, ở môi – lợi, ở đầu lưỡi… Bệnh thường không gây sốt, không gây sưng hạch vùng lân cận và tự khỏi. Biểu hiện tại chỗ thường là các triệu chứng viêm nhiễm, sưng nóng đỏ/đau, lở loét rất khó chịu nhất là khi nhai nuốt, ăn uống. Đặc biệt, khi không được chăm sóc đúng cách, vết lở có thể chuyển sang viêm cấp, thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm, ăn uống cực kỳ “vất vả”.
Vì sao chúng ta thường bị nhiệt miệng?
Tổn thương niêm mạc miệng: Các tổn thương niêm mạc này có thể do bị xâm nhập bởi vi khuẩn từ một vài bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, viêm quanh chóp răng… Và các dạng bệnh lý này thường có xuất phát từ vôi răng. Bởi vôi răng là môi trường sống đặc biệt lý tưởng của vi khuẩn, từ đây, chúng sẽ sinh sôi, phát triển và tấn công vào các khu vực trong khoang miệng.
Rối loạn thể dịch: đây có thể lại là một trong những dấu hiệu của các chứng bệnh toàn thân khác như bệnh gan, thận, thiếu chất sắt, axit folic… Chấn thương bị nhiễm trùng: Khi niêm mạc bên trong khoang miệng bị chấn thương, có vết lở loét mà không áp dụng biện pháp sát trùng ngay thì vết thương sẽ bị nhiễm trùng, gây ra tình trạng nhiệt miệng.
Áp lực tinh thần, stress, rối loạn nội tiết cũng có thể là nguyên nhân gây ra nhiệt miệng bởi ảnh hưởng của quá trình suy giảm miễn dịch, khiến cơ thể không có sức lực để chống lại sự tấn công của vi khuẩn, vi rút.
Cách ngăn ngừa nhiệt miệng?
Muốn ngăn ngừa hoặc điều trị nhiệt miệng, làm giảm độ tái phát của bệnh, các bác sĩ thường khuyên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả tươi, hạn chế tối đa làm việc quá căng thẳng dẫn đến stress. Với thể tái phát nhiều lần liên tiếp, đau nhiều… thì cần đi khám bệnh, tùy theo từng trường hợp cụ thể (mức độ nặng nhẹ, tình trạng sức khỏe, giới, tuổi tác và tác dụng phụ của thuốc) bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị thích hợp.
Ngoài ra, trong mọi trường hợp nhiệt miệng, yếu tố được đặt lên hàng đầu là cần tăng cường vệ sinh răng miệng để tránh bội nhiễm, hạn chế diễn biến xấu. Người bệnh được khuyên sử dụng những loại kem đánh răng có tinh chất chiết xuất từ thiên nhiên để tránh gây ảnh hưởng đến niêm mạc miệng, đồng thời làm “mát” hơn cho miệng từ bên trong.
Tuy bệnh nhiệt miệng không phải là một loại bệnh nặng nhưng gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh trong việc ăn uống và vệ sinh răng. Bệnh có thể tránh khỏi nếu biết phòng ngừa, ăn uống và nghỉ ngơi đúng cách.