Top 11 # Vì Sao Liên Xô Tan Rã Lịch Sử 9 Xem Nhiều Nhất, Mới Nhất 5/2023 # Top Trend | Sansangdethanhcong.com

Vì Sao Liên Xô Tan Rã

Vì sao Liên Xô tan rã Chủ nghĩa Mac cho những nhà hoạch định kế hoạch tập trung

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, các nhà kinh tế thường tranh cãi về những giá trị tương đối của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, Liên Xô từ bỏ kế hoạch hóa tập trung theo chủ nghĩa Marx sau năm 1990 và bắt đầu quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Năm 2003 các cổ động viên của các câu lạc bộ bóng đá Chelsea chào đón ông chủ mới Rorman Abramovitch người đi lên trong kinh tế thị trường, bắt đầu là một nhà buôn bán dầu mỏ và sau đó là chủ tịch một trong những công ty dầu mỏ hàng đầu ở Nga.

Bức tường Berlin sụp đổ vì Liên Xô đã tụt hậu xa so với các nền kinh tế thị trường ở phương Tây. Những khó khăn cốt yếu nảy sinh là:

§Quá tải thông tin: Các nhà hoạch định kế hoạch không thể theo kịp chi tiết của những hoạt động kinh tế. Máy móc thiết bị bị gỉ sét vì không có người lắp đặt sau khi giao hàng, mùa màng thu hoạch bị thối rữa vì lưu kho và phân phối không phối hợp được.

§Động lực kém: Việc đảm bảo việc làm tuyệt đối làm giảm động cơ làm việc. Những người quản lý các nhà máy đặt hàng nguyên vật liệu vượt quá số lượng cần thiết để đảm bảo nguyên vật liệu cho năm kế tiếp vì các nhà hoạch định kế hoạch có thể điều hành số lượng dễ dàng hơn so với chất lượng nên các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu mục tiêu số lượng bằng cách bỏ qua yêu cầu chất lượng. Thiếu những tiêu chuẩn về môi trường, các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kế hoạch hóa tập trung dẫn đến hàng hóa chất lượng thấp và làm hại cho môi trường.

§ Cạnh tranh phi hiệu quả: Các nhà hoạch định kế hoạch tin tưởng rằng to lớn là tốt đẹp. Nhưng quy mô lớn làm các nhà hoạch định kế hoạch mất thông tin từ các hãng cạnh tranh, nên rất khó đánh giá hiệu quả. Thiếu sự cạnh tranh để chọn lựa thì không thể tránh được những sai lầm kinh tế.

Theo David Begg, Stanley Fischer, Rudiger Dornbusch. Kinh tế học. Bản dịch tiếng Việt, phiên bản thứ 8. 2008. Nhà xuất bản Thống Kê. Hà Nội.

Tại Sao Liên Xô Tan Rã?

Trong giai đoạn 1918 – 1920, nước Nga Xô viết nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và bị bọn Bạch vệ (được sự hậu thuẫn của nước ngoài) tấn công từ bốn phía. Trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này, nước Nga Xô viết non trẻ lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Lênin và Đảng Bonsevich, nước Nga Xô viết đã vượt qua thách thức hiểm nghèo để tiếp tục phát triển.

Cuộc duyệt binh của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô ở Quảng trường Đỏ.

Sau hơn bảy chục năm tồn tại, phát triển không ngừng, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Liên Xô đã trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Với sức mạnh to lớn về quân sự, khoa học công nghệ và kinh tế, Liên xô đủ sức đương đầu với hệ thống tư bản thế giới và có khả năng ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc để bảo vệ hòa bình thế giới.

Liên Xô tan rã khi đã đạt đến đỉnh cao.

Đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài viết, công trình chuyên khảo và sách lý giải vấn đề này, trong đó các cuốn sách của những người trong cuộc đưa ra lời giải có sức thuyết phục nhất. Nhân kỷ niệm 96 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/2013), bài viết này nhằm cung cấp một cái nhìn cận cảnh về sự tan rã của Liên Xô.

1. Hệ thống XHCN hiện thực với Liên Xô làm trụ cột đã có đóng góp hết sức to lớn vào sự phát triển của thế giới.

Trong nửa sau của thế kỷ XX, trên thế giới có hơn một chục Đảng Cộng sản cầm quyền, hình thành một hệ thống XHCN hùng mạnh đủ sức kiềm chế mọi hành động đơn phương, hiếu chiến chống phá cách mạng của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ.

Chính nhờ sự tồn tại của hệ thống XHCN hùng mạnh, hàng trăm dân tộc bị nô dịch, áp bức đã vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, làm suy sụp chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới. Xét đến cùng, sự hình thành và phát triển của phong trào không liên kết là thành quả của cuộc đấu tranh vô sản – tư sản trên phạm vi toàn cầu, là thành tựu to lớn của các Đảng Cộng sản cầm quyền trong thế kỷ XX. Nói cách khác, chính những người cộng sản, trước hết là các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước thuộc hệ thống XHCN, đã ghi tạc một mốc son chói lọi vào tiến trình phát triển văn minh nhân loại.

Các Đảng Cộng sản cầm quyền đã xây dựng được một hệ thống xã hội hùng mạnh (hệ thống XHCN), trên nhiều lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội tốt đẹp hơn, ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản (CNTB). Cho đến nay, sau 22 năm Liên Xô tan rã, vẫn có 59% người Nga được hỏi ý kiến cho rằng ở chủ nghĩa xã hội nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực, và đa số người Nga vẫn nuối tiếc thời Xô viết vàng son.

Thật trớ trêu, chính các Đảng Cộng sản cầm quyền, trước hết và chủ yếu là Đảng Cộng sản Liên Xô, lại để mất quyền lãnh đạo, làm cho hệ thống XHCN hùng mạnh được họ dẫn dắt hàng trăm triệu người xây dựng nên sụp đổ, tan rã. Cần lưu ý rằng Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô tan rã mà không thông qua một cuộc chiến tranh với chủ nghĩa đế quốc.

Thực chất, Đảng Cộng sản Liên Xô, trực tiếp và chủ yếu là Bộ Chính trị, BCHTƯ đã tha hóa, đã tự đánh mất mình và làm cho Liên Xô tan rã. Chính những người lãnh đạo cao nhất, các ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSLX đã thừa nhận điều đó. Tất nhiên, hoạt động chống phá của các thế lực chống cộng quốc tế thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” cũng là một nguyên nhân làm cho Liên Xô tan rã, nhưng chắc chắn không phải là nguyên nhân chính, không phải là nguyên nhân chủ yếu.

2. Đảng Cộng sản Liên Xô đã tha hóa, biến chất như thế nào?

Sơ bộ có thể nêu ra một số biểu hiện lớn sau đây:

– Một là, Đảng Cộng sản Liên Xô đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Đi liền với nó là các bệnh tật: độc đoán, chuyên quyền, không chấp nhận những ý kiến khác với mình; coi thường tập thể, coi thường cấp dưới, tự cho mọi ý kiến của mình là chân lý buộc mọi người phải tuân theo, coi những ai có ý kiến ngược lại là chống đối, thậm chí là thù địch, khi cần thiết bảo vệ “cái uy” của mình, họ sẵn sàng đối xử với đồng chí, đồng đội như đối với kẻ thù. Kết quả là trong sinh hoạt, đảng mất hết sinh khí, mất hết tính chiến đấu. Sinh hoạt đảng trở nên tẻ nhạt, khô cứng, độc thoại một chiều. Trong điều kiện đó nhiều đảng viên trung kiên, trong sáng không được trọng dụng, cố nín nhịn để tồn tại, những kẻ cơ hội, nịnh bợ có điều kiện được thăng tiến.

– Hai là, Bộ Chính trị, BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô đã quan liêu xa rời thực tiễn, để mất quan hệ máu thịt giữa Đảng CSLX với nhân dân Liên Xô. Tệ quan liêu làm cho những người lãnh đạo các cấp của Đảng CSLX xa rời thực tế, không có hiểu biết đúng đắn hiện trạng xã hội mà mình đang lãnh đạo, quản lý. Họ thờ ơ trước những nguyện vọng chính đáng của quần chúng, thậm chí không có rung động, phản ứng trước những nỗi thống khổ, oan ức của một bộ phận quần chúng nhân dân, trong đó có cả một bộ phận đảng viên, cán bộ cấp dưới.

– Ba là, những suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao giữ vai trò chủ chốt với những biểu hiện nổi bật: Sống ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, gia đình và người thân lên trên lợi ích của Đảng, của nhân dân; cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh đưa những người thân tín với mình, kể cả những người yếu về năng lực, kém về đạo đức, lối sống vào những vị trí lãnh đạo để làm vây cánh, che chắn bảo vệ mình; tham ô, sống xa hoa, nói một đằng làm một nẻo, cá biệt còn tha hoá, suy đồi về đạo đức, lối sống.

Chỉ khi nào sự thoái hóa, biến chất diễn ra tại trung tâm quyền lực (chóp bu) của Đảng thì mới trở thành nguy cơ đối với Đảng, đó là đêm trước của sự tan rã, sụp đổ. Đảng Cộng sản Liên Xô và các “phiên bản” Đông Âu của nó thuộc trường hợp này.

Thông thường các biểu hiện trên không tồn tại biệt lập, mà luôn song hành, có quan hệ với nhau, tác động với nhau, có lúc cái này làm tiền đề, điều kiện cho cái kia tồn tại và phát triển. Những biểu hiện thoái hoá nói trên, không bỗng nhiên xuất hiện, mà có một quá trình từ chớm nở như một ung nhọt nhỏ rồi phát triển qua nhiều giai đoạn. Những bệnh tật này lặng lẽ tích dồn liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm làm Đảng mất sức chiến đấu, thiếu nhạy bén, không đưa ra được đường lối, quyết sách đúng đắn, khả thi. Trong Đảng CSLX đã thực sự có phân hoá: Một bộ phận cán bộ, đảng viên giàu lên nhanh chóng do đặc quyền, đặc lợi, đại bộ phận sống khó khăn; nhiều đảng viên nói một đằng làm một nẻo, trong cuộc họp nói khác ngoài cuộc họp, suy nghĩ một đằng phát biểu một nẻo. Tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng dần dần nguội lạnh, nhiều đảng viên trở nên thờ ơ trước những vấn đề chính trị có quan hệ đến vận mệnh của Đảng CSLX.

Theo Ph. M. Rudinxki, có thể chia 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô làm 4 loại: 1, Những đảng viên chân chính thường chiếm tỷ lệ nhỏ, 2. Những người thực hiện, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng như cái máy (chiếm khoảng hơn 96 %); 3. Những kẻ cơ hội , xu thời, nịnh bợ (phần lớn trong bộ máy công quyền) ; 4. Những người im lặng (phần lớn họ là những người có hiểu biết nhưng sợ bị trù dập nên họ giữ im lặng, không dám phát biểu).

N. I. Rưscôp, nguyên ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Liên Xô, Thủ tướng Liên Xô (1985 – 1990) cho rằng: Tồn tại hai Đảng trong Đảng Cộng sản Liên Xô: Một đảng của hàng chục triệu đảng viên bình thường và một đảng của những quan chức chóp bu trong hệ thống đảng, nhà nước Liên Xô . Những đảng viên nắm quyền lực ở cấp cao ngày càng xa rời, cách biệt với hàng chục triệu đảng viên bình thường. Số đảng viên này, về thực chất, không đại diện và bảo vệ lợi ích của giai cấp, của dân tộc, mà chỉ tìm mọi cách bám giữ quyền lực vì lợi ích cá nhân của họ.

Do những bệnh tật kể trên, đại bộ phận quần chúng nhân dân giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng CSLX, thờ ơ đối với những vấn đề chính trị trọng đại của đất nước, thậm chí có một số trông chờ, mong muốn có sự thay đổi. Chính đó là trạng thái trong Đảng Cộng sản Liên Xô và trong xã hội Liên Xô vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đêm trước của sự sụp đổ, tan rã (1989 – 1991).

3. Thử bàn về các nguyên nhân.

Về hoạt động chống phá của Mỹ và các thế lực chống cộng quốc tế thì rõ ràng, có đầy đủ thông tin, tư liệu để khẳng định. Tuyệt đối không được mơ hồ, mất cảnh giác.

Mặt trái của cơ chế thị trường cũng là một nguyên nhân. Nhưng nếu quá nhấn mạnh, cường điệu mặt trái của cơ chế thị trường thì khó lòng giải thích được những thoái hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ Mao Trạch Đông, Xtalin và Prêz nép lãnh đạo, vì thời Mao, thời Xtalin, thời Prêz nép chưa có kinh tế thị trường.

– Một là, về mặt tổ chức, trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình, Đảng Cộng sản Liên Xô chưa xây dựng được cơ chế hữu hiệu để đảm bảo dân chủ thực sự trong sinh hoạt Đảng. Đảng CSLX đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong suốt quá trình hoạt động. Theo chúng tôi, đây là điểm khởi thuỷ, nguồn gốc của mọi biểu hiện khác về sự thoái hoá của Đảng CSLX (quan liêu, tha hoá về tư tưởng chính trị, thoái hoá về đạo đức, lối sống, chia rẽ mất đoàn kết…). Ở đâu và khi nào trong sinh hoạt đảng thể hiện sục sôi dân chủ, thì đảng có sức sống mãnh liệt. Đảng Cộng sản Bôn – sê – vích Nga dưới thời lãnh đạo của Lênin là một ví dụ điển hình.

Xét đến cùng, do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng nên cơ quan lãnh đạo của Đảng CSLX thiếu thông tin nhiều mặt về một vấn đề, đặc biệt là những vấn đề hệ trọng quan hệ đến sinh tồn của Đảng. Thiếu dân chủ cho nên trong sinh hoạt đảng thường là độc thoại một chiều từ những người lãnh đạo cao nhất, thiếu hẳn thông tin phản hồi từ dưới lên. Thiếu dân chủ, nên những đảng viên ưu tú, nhạy bén, sắc sảo, thông minh không có chỗ để thể hiện ý tưởng của mình. Trong một tổ chức như vậy, bộ tham mưu cao nhất không có đủ thông tin nhiều chiều, toàn diện, do đó những quyết định về đường lối, sách lược thường không phù hợp với thực tiễn, thậm chí trái ngược với quy luật, ngược với hiện thực khách quan. Phải chăng, đó là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng nghị quyết, chỉ thị rất nhiều nhưng việc đưa vào cuộc sống không được bao nhiêu. Theo ngôn ngữ y học, thuốc rất nhiều nhưng không có loại đặc trị, nên bệnh tình sẽ ngày càng trầm trọng.

Dưới góc độ lý thuyết hệ thống, có thể xem một tổ chức đảng như một hệ thống. Để đảm bảo cho hệ thống đó tồn tại bền vững, nhất thiết phải có trao đổi thông tin. Nếu thiếu trao đổi thông tin (theo 2 chiều thuận – nghịch, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong) thì sớm muộn hệ thống đó sẽ bị đổ vỡ để chuyển sang một trạng thái khác. Thiếu dân chủ trong sinh hoạt đảng, tức là thiếu trao đổi thông tin (trên xuống, dưới lên, trong đảng ra ngoài xã hội và ngược lại). Nếu trạng thái này kéo dài thì sẽ sinh ra thoái hóa của hệ thống đảng dưới nhiều biểu hiện như đã trình bày ở trên. Nếu không khắc phục được, để kéo dài, thì sớm muộn sự thoái hóa của một số đảng viên ở vị trí chủ chốt sẽ dẫn đến sự thoái hóa của đảng cầm quyền.

Thực tế xác nhận: Đảng CSLX trước đây không có lực lượng nào và không có cơ chế nào thực hiện giám sát và phản biện hoạt động của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị. Một nhóm nhỏ này, có khi chỉ dăm ba người nắm quyền lực tối cao, tự tung tự tác, ai có ý kiến khác sẽ bị họ chụp cho cái mũ là “chống đối”, “là phản động”, “là chống Đảng”, thậm chí là “phản bội Tổ quốc”…

Cũng do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà các thành viên trong tổ chức có quan hệ với nhau rất lỏng lẻo, đảng mất hết sức sống, tính chiến đấu chỉ còn lại trong nghị quyết.

Do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng, mà một thời gian dài trước khi sụp đổ, tan rã, trong Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như trong các Đảng Cộng sản ở các nước XHCN ở Đông Âu đã lặng lẽ diễn ra một quá trình phân hóa trong đảng, cả trong sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Các đảng viên nghĩ một đằng phát biểu một đằng, không dám thể hiện chính kiến của mình ngay cả đối với vấn đề quan hệ đến sinh tồn của Đảng. Trong cuộc họp người ta nói một đằng, mà phần lớn không thật lòng, ngoài cuộc họp người ta nói riêng với nhau lại khác, cấp trên áp đặt, cấp dưới điều chỉnh hành vi cho phù hợp với cấp trên, mọi thông tin chính thức từ trên xuống và đặc biệt là từ dưới lên đều thiếu chân thật. Chưa đến một tháng trước khi tan rã, mất quyền lãnh đạo, những người lãnh đạo của một Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn khẳng định sức chiến đấu của đảng mình, vẫn tuyên bố tuyệt đại bộ phận nhân dân còn ơn đảng, theo đảng, tin đảng và tuyệt đại đa số đảng viên là tin cậy, trung thành…!

Cũng do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà Đảng CSLX đã mắc sai lầm trong việc đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ, tuyển chọn và bố trí, sử dụng cán bộ vào vị trí chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước. Thiếu dân chủ là bà đỡ của thói nịnh bợ, luồn lọt, là điều kiện tốt cho chủ nghĩa thực dụng, cơ hội vị kỷ phát sinh tồn tại trong đảng, nhất là ở các cơ quan lãnh đạo cấp cao. Ai cũng biết cán bộ quyết định tất cả, và thực tiễn cũng xác nhận điều đó. Nhưng Đảng CSLX phạm sai lầm trong công tác sử dụng, bố trí cán bộ.

– Hai là, sự thoái hóa của Đảng CSLX là do các đảng viên, trước hết và chủ yếu là các đảng viên trước hết giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cấp cao, chưa đủ độ chín muồi về mặt chính trị, chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, về lý tưởng cộng sản. Khi kết nạp mọi đảng viên đều tuyên thệ về sự giác ngộ lý tưởng cộng sản của mình, hứa hẹn một lòng một dạ phấn đấu vì lợi ích của giai cấp, của những người lao động, nguyện trung thành với lý tưởng cộng sản… Nhưng khi đã vào đảng rồi thì họ thiếu rèn luyện và trong hoạt động thực tiễn, họ dần dần xa rời những lời tuyên thệ, hứa hẹn của mình. Đó là quá trình tha hóa của đảng viên, và kéo theo sự tha hóa của đảng. Tất nhiên, không phải mọi đảng viên đều diễn ra quá trình tha hóa đó.

Tất nhiên, còn nhiều vấn đề thuộc về nguyên nhân và điều kiện làm cho Đảng CSLX thoái hóa, Liên Xô tan rã. Ở đây chúng tôi không có điều kiện để trình bày tất cả, chỉ nêu ra những nhân tố quan trọng nhất, cơ bản nhất. Có thể xem nó là nguồn gốc của mọi thoái hóa của Đảng cầm quyền nói chung, của Đảng CSLX nói riêng.

Sau chừng ấy thời gian, cho phép chúng ta khái quát ba vấn đề lớn sau:

– Một là, từ Cách mạng tháng Mười Nga đến khi Liên Xô tan rã (1917 – 1991) có thể phân kỳ như sau: 1. Thế hệ cách mạng đầu tiên do Lênin lãnh đạo đã đưa nước Nga Xô viết non trẻ vượt qua thử thách “ngàn cân treo sợi tóc” 1917 – 1920 để tồn tại và phát triển; 2. Thế hệ lãnh đạo thứ hai do Stalin lãnh đạo đã tiêu diệt Chủ nghĩa phát xít Đức – Nhật – Ý và đưa Liên Xô trở thành cường quốc thế giới; 3; Thế hệ lãnh đạo thứ ba ở Liên Xô từ Khơrusốp đến Bregiơnép là những người đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941 – 1945) và họ đã đưa Liên Xô trở thành cường quốc hàng đầu thế giới; 4. Thế hệ lãnh đạo thứ tư với hạt nhân là Góocbachop, là những người sinh ra trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại và chưa nếm trải thử thách của chiến tranh.

Chính thế hệ lãnh đạo thứ tư đã làm cho Đảng CSLX mất quyền lãnh đạo, làm cho Liên Xô tan rã.

Hóa ra, việc thâu tóm được mọi quyền lực và mọi nguồn lực quốc gia không khó bằng nắm được lòng dân. Những ai không nắm được lòng dân thì họ đã thất bại ngay khi đang nắm quyền lực.

– Ba là, các đảng cộng sản đang cầm quyền và chưa cầm quyền cần rút ra bài học từ thất bại của Đảng CSLX, từ sự tan rã của Liên Xô để vượt qua chính mình vì hạnh phúc của nhân dân và sự hưng thịnh của đất nước.

Sai lầm và khuyết điểm rất khó tránh, nhưng không thực sự nguy hiểm. Điều nguy hiểm nhất là không dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là không có quyết tâm chính trị để tránh sai lầm, khắc phục khuyết điểm.

Theo Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an)

Sự Tan Rã Của Đảng Cộng Sản Liên Xô Và Liên Bang Xô Viết

Cho đến nay, nhiều học giả trên thế giới vẫn cố gắng nghiên cứu, lý giải nguyên nhân tan rã của Liên Xô. Báo Thời Nay sẽ giới thiệu tư liệu do một cơ quan nghiên cứu nước ngoài mới công bố trong thời gian gần đây để bạn đọc tham khảo.

Tháng 3-1985, Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 2-1986, Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ 27. Đây là Đại hội đầu tiên được triệu tập sau khi Gorbachev lên cầm quyền. Sau đó không lâu, Gorbachev chính thức đưa ra khẩu hiệu “Dân chủ hóa tính công khai, dư luận đa nguyên hóa” và lấy đó làm bước đột phá mở ra cơ chế cải cách. Lúc bấy giờ, nhân dân Liên Xô mong muốn cải cách thoát khỏi trì trệ nhưng vẫn chưa rõ, thậm chí, chưa hiểu hàm nghĩa thật sự của khẩu hiệu Gorbachev đưa ra dưới danh nghĩa “perestroika” (cải tổ) là gì.

Tháng 6-1988, Đảng Cộng sản Liên Xô họp Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19. Trong báo cáo, Gorbachev có đoạn bộc bạch: “Phương châm chủ yếu của cải tổ thể chế chính trị Liên Xô không chỉ là đề xướng vấn đề dân chủ hóa tính công khai và dư luận đa nguyên hóa. Mà là phải loại bỏ vấn đề Đảng Cộng sản Liên Xô là hạt nhân của thể chế chính trị Liên Xô. Là vấn đề phải chuyển trung tâm quyền lực nhà nước từ trong tay Đảng Cộng sản sang Xô Viết”.

Tháng 7-1990, Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ 28. Đây là Đại hội cuối cùng trong lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô trước khi Liên Xô tan rã. Đại hội thông qua tuyên bố có tính cương lĩnh “tiến tới Xã hội chủ nghĩa dân chủ hóa nhân đạo” và một số nghị quyết khác. Từ đây, thể chế đa đảng và thể chế dân chủ nghị viện, ý thức hệ đa nguyên cũng chính thức trở thành phương châm chỉ đạo của Đảng. Các tổ chức chống Cộng thừa cơ được thành lập hàng loạt và phát triển lớn mạnh, triển khai cuộc đấu tranh với Đảng Cộng sản Liên Xô.

Kusov, Phó Chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Nga ngày 28-2-1991 nói: “Sửa đổi Hiến pháp chỉ vẻn vẹn một năm, đã có khoảng 20 chính đảng cấp Liên bang, có hơn 500 chính đảng cấp nước cộng hòa. Hầu hết trong đó trở thành lực lượng chính trị cuối cùng thúc đẩy Đảng Cộng sản Liên Xô bị hạ bệ và giải tán”.

Dưới sự cổ vũ của phương châm dân chủ hóa tính công khai và thể chế đa đảng của Gorbachev, tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã không ngừng dâng cao, khuynh hướng ly khai dân tộc hẹp hòi ngày càng trở nên trầm trọng. Tổ chức Đảng của các nước cộng hòa tham gia Liên bang cũng ngày càng xa rời trung ương. Từ năm 1989, Đảng Cộng sản của một số nước cộng hòa như Latvia, Lithuania (Lít-va), Estonia… đã đưa ra yêu cầu tách khỏi hoặc độc lập với Đảng Cộng sản Liên Xô. Bất chấp sự phản đối của Đảng Cộng sản Liên Xô, ngày 20-12-1989, tại Đại hội 20, Đảng CS Lithuania thông qua Tuyên ngôn, quyết định về địa vị của Đảng Cộng sản Lithuania, tuyên bố Đảng Cộng sản Lithuania tách khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô, giữ quan hệ đối tác bình đẳng với Đảng Cộng sản Liên Xô. Gorbachev liên tục lùi bước trước tình hình này. Cái gọi là “phái dân chủ” trong Đảng đã lợi dụng tình hình để hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ với chủ nghĩa ly khai dân tộc ngoài Đảng, tiến hành hoạt động chia rẽ Đảng Cộng sản Liên Xô, từ đó làm tan rã Liên Xô.

Ngày 17-3-1991, Liên Xô tiến hành trưng cầu ý kiến nhân dân toàn Liên bang. Trong đó, số phiếu bảo lưu Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chiếm 76,4%. Số phiếu phản đối chiếm 21,7%. Nhưng sáu nước cộng hòa Gruzia, Lithuania, Moldovia, Latvia, Armenia, Estonia từ chối trưng cầu dân ý.

Ngày 23-4-1991, Gorbachev nhân danh Trung ương Đảng Cộng sản và Xô Viết tối cao Liên Xô tiến hành gặp gỡ những người lãnh đạo của chín nước cộng hòa Liên bang (Nga, Ukraine, Belarus, Kazakstan…), ra tuyên bố 9+1 đề xuất nhanh chóng ký kết Hiệp ước Liên bang mới với tên gọi là Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, xóa bỏ khái niệm “xã hội chủ nghĩa”. Sự kiện này về mặt luật pháp đã phá hoại thống nhất quốc gia, đặc biệt là thay đổi tính chất XHCN và phương hướng thống nhất của quốc gia. Cùng lúc, Yeltsin – Chủ tịch Xô Viết Liên bang Nga, cũng cố gắng làm tan rã nước này một cách không thương tiếc nhằm chiếm đoạt quyền lực tối cao.

Ngày 20-8 là ngày ký Hiệp ước Liên bang mới. Ngày 19-8, để giữ lại Liên Xô XHCN đồng thời ngăn chặn cái gọi là “phái dân chủ” lên nắm quyền, một nhóm lãnh đạo cao cấp của Đảng, chính quyền và quân đội Liên Xô đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở một số địa phương trong nước và thành lập Ủy ban tình trạng khẩn cấp do Phó Tổng thống Yanaev đứng đầu. Có thể coi đây là cuộc thử nghiệm cuối cùng của một số nhà lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Liên Xô cố nhằm cứu vãn Liên Xô XHCN, tránh cho đất nước rơi vào thảm họa. Nhưng do họ không có niềm tin XHCN rõ ràng và kiên định, lại thiếu ý chí chính trị kiên cường trong đấu tranh thực tế, nên họ đã thất bại. Gorbachev đang đi nghỉ mát, có thái độ trước là lừng chừng, sau là phản bội, và đây cũng là điều góp phần đẩy nhanh tiến trình thất bại của sự kiện.

Sự kiện 19-8 kết thúc. Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tự giải tán trước sự thúc ép của Gorbachev. 4.228 tòa nhà làm việc, 180 trung tâm chính trị xã hội, 16 cơ sở nghiên cứu chính trị xã hội,… của Đảng Cộng sản Liên Xô đều bị nhà cầm quyền Nga niêm phong và tịch thu. Tổ chức Đảng Cộng sản khắp các khu vực Nga và ở các nước cộng hòa Liên Xô nhanh chóng bị giải tán hoặc bị cấm hoạt động. Toàn Đảng tan rã theo. Vậy là một đảng lớn, có gần 20 triệu đảng viên, đã mất địa vị cầm quyền sau 74 năm cầm quyền.

Cho đến hôm nay, trong hồ sơ của Trung ương hay của địa phương, đều không thấy ghi chép gì khi thế lực thù địch xóa bỏ Đảng Cộng sản gặp phải sự chống đối của tổ chức các cấp của Đảng. Không hề thấy ghi chép gì về việc đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô tập hợp lại một cách có tổ chức để tiến hành bất cứ một hoạt động phản đối quy mô lớn nào nhằm bảo vệ Khu ủy, Thành ủy hoặc Huyện ủy của mình.

Mất Đảng tất yếu đưa tới mất nước. Ngày 25-12-1991 là ngày cuối cùng Gorbachev làm Tổng thống Liên Xô, cũng là ngày tồn tại cuối cùng của Liên Xô. 10 giờ sáng, Gorbachev đến Phủ Tổng thống ở Điện Kremli chuẩn bị đơn từ chức mà ông ta sẽ đọc vào tối hôm đó. 19 giờ, Gorbachev qua máy ghi hình của Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô và Đài Truyền hình CNN (Mỹ) đọc thư gửi nhân dân Liên Xô và toàn thế giới, tuyên bố từ chức, ngừng mọi hoạt động của mình với chức vụ Tổng thống Liên Xô. 19 giờ 32 phút, quốc kỳ Liên Xô hình búa liềm đã in đậm trong lòng nhiều thế hệ người Liên Xô và nhân dân thế giới trên nóc điện Kremli ủ rũ hạ xuống trong gió lạnh. 19 giờ 45 phút, lá cờ ba mầu của Liên bang Nga thay thế.

Buổi sáng 26-12-1991, Viện Cộng hòa Xô Viết tối cao Liên Xô họp hội nghị lần cuối cùng. Hội trường chỏng trơ, vắng ngắt. Trên đoàn Chủ tịch chỉ có một mình Alychanov, Chủ tịch Viện Cộng hòa. Các đại biểu giơ tay biểu quyết thông qua tuyên ngôn tuyên bố “Liên Xô ngừng tồn tại”. Đảng Cộng sản Liên Xô, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết – hai cái tên rực rỡ suốt hơn nửa thế kỷ, đã rút khỏi vũ đài lịch sử âm thầm như thế.

Sau khi Liên Xô tan rã, theo “liệu pháp sốc” của người Mỹ, ở nước Nga người ta tiến hành cưỡng chế thực hành cải cách tư hữu hóa trong lĩnh vực kinh tế. Kết quả rất nhanh là đưa đến một nền kinh tế tiêu điều và suy thoái nghiêm trọng. Đất nước nghèo đi nhanh chóng, xã hội rơi vào hỗn loạn. Phạm tội xảy ra tràn lan. Theo tài liệu của Bộ Nội vụ Nga, lúc đó toàn quốc xuất hiện hơn 8.000 băng nhóm tội phạm cỡ lớn có tổ chức. Trong Thông điệp tình hình đất nước năm 1996, Yeltsin cũng thừa nhận: “Nước Nga hiện nay đã vượt Italia, trở thành vương quốc băng đảng mafia lớn nhất thế giới”.

Từ năm 1991 đến cuối thế kỷ 20, tổng giá trị sản xuất trong nước của Nga giảm xuống 52% so năm 1990 (trong khi đó, vào thời kỳ chiến tranh từ năm 1941 đến năm 1945 chỉ giảm 22%). Sản xuất công nghiệp cùng thời kỳ giảm 64,5%. Sản xuất nông nghiệp giảm 60,4%. Đồng rúp mất giá. Vật giá tăng cao hơn 5.000 lần. Từ năm 1992 trở đi, dân số nước Nga luôn có xu thế giảm. Tuổi thọ bình quân của người Nga năm 1990 là 69,2 tuổi. Còn năm 2001 là 65,3 tuổi. Thậm chí, tuổi thọ bình quân của nam giới ở một số vùng giảm xuống đến 10 tuổi.

Đảng Cộng sản Liên Xô bị diệt vong, Liên Xô tan rã mang lại hậu quả tai hại cho Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Năm 2005 khi đọc Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Putin nói: “Liên Xô tan rã là tai họa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỷ 20. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”. Rất nhiều học giả Nga cũng rút ra kết luận rằng, Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, Liên Xô tan rã làm cho phát triển kinh tế – xã hội thụt lùi mấy chục năm.

Một đảng do Lenin sáng lập. Một Đảng từng lãnh đạo giai cấp công nhân Nga lật đổ ách thống trị của nước Nga Sa hoàng, xây dựng thành công Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên. Một đảng từng lãnh đạo nhân dân chống lại sự can thiệp vũ trang của 14 nước, bảo vệ thắng lợi thành quả cách mạng. Một đảng đã lãnh đạo chiến thắng phát-xít Đức trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và cống hiến to lớn cho thắng lợi của thế giới trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Một đảng giành được thành tựu rực rỡ trong xây dựng CNXH và đi đầu trong việc đưa vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ. Vì sao lại mất địa vị cầm quyền sau 74 năm cầm quyền?

Một đảng khi có 20 nghìn đảng viên đã lãnh đạo Cách mạng tháng Hai lật đổ ách thống trị chuyên chế Sa hoàng; khi có 35 vạn đảng viên đã giành được thắng lợi của Cách mạng XHCN tháng Mười và nắm chính quyền toàn quốc; khi có hơn 5.540.000 đảng viên lãnh đạo nhân dân chiến thắng phát-xít Đức hung bạo, lập chiến công bất hủ, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai, vậy mà khi có gần 20 triệu đảng viên thì lại mất địa vị cầm quyền, mất Đảng, mất nước. Rốt cuộc, vấn đề là ở chỗ nào?

Theo NDĐT-THỜI NAY

Vì Sao Liên Bang Xô Viết Sụp Đổ?

Mikhail Gorbachev (phải) và Boris Yeltsin (trái) là 2 nhân vật đóng vai trò tối quan trọng trong sự kiện Liên Xô sụp đổ

Hai nhân vật đóng vai trò tối quan trọng tạo nên thảm họa này là “kiến trúc sư” cải tổ Mikhail Gorbachev và “Sa hoàng Nga thời hiện đại” Boris Yeltsin.

Sai nhiều ly, đi muôn dặm

Cuộc chính biến tháng 8-1991 là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi lệch hướng công cuộc cải tổ và công khai hóa, từng được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev khởi xướng từ tháng 3-1985. Được “khua chiêng gióng trống” ầm ĩ, công cuộc cải tổ không những không chữa được những căn bệnh trầm kha của xã hội Xôviết mà cuối cùng còn giúp cho thế lực hữu khuynh, những kẻ thù giai cấp và đầy tham vọng cá nhân tận dụng triệt để trong việc kích động lực lượng phản kháng tác động đến phần lớn quần chúng đang mất dần niềm tin vào thể chế.

Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985, Gorbachev đã theo đuổi và tiến hành nhiều cải cách toàn diện trong hệ thống Xô viết. Thoạt đầu, Gorbachev chỉ muốn cải cách chế độ Xô viết lúc đó đang mắc chứng bệnh trì trệ khá trầm trọng do những nguyên nhân phần nhiều mang tính chủ quan. Không vượt lên trên được các đối thủ phương Tây trong Chiến tranh lạnh về hiệu suất cũng như thành quả lao động, không kiên quyết đấu tranh bài trừ những căn bệnh vốn bắt rễ và âm thầm lây lan trong giới cầm quyền như nạn tham nhũng, bè phái, hưởng nhiều đặc lợi vượt giới hạn, sùng bái chủ nghĩa hình thức, xa rời hay diễn giải sai lệch theo kiểu xu thời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Gorbachev cũng không có phương án nào khả dĩ để đối phó với trào lưu dân tộc chủ nghĩa đang sinh sôi nảy nở và biến tướng từng ngày hay các vụ tranh chấp lãnh thổ giữa các nước cộng hòa… Đó chính là những nguyên nhân chính khiến Nhà nước Xô viết suy giảm tiềm lực và vị trí của mình trên trường quốc tế.

Đại diện cho phe cải cách như Yeltsin cho rằng nghị trình cải cách của Gorbachev quá chậm chạp, còn những người theo phe bảo thủ lại chỉ trích chính sách và hành động của Gorbachev là xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác. Trong nỗ lực thúc đẩy chương trình cải cách của mình, Gorbachev đã dẫn đầu một phong trào sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, bao gồm việc thiết lập một vị trí tổng thống mới tập trung nhiều quyền lực hơn. Những nỗ lực ấy đã tạo điều kiện cho một số lực lượng và phong trào mà Gorbachev không hề ngờ tới xuất hiện, đặc biệt là sự kích động và phát triển của chủ nghĩa dân tộc quốc gia từ phía các nước cộng hòa bên trong Liên bang Xô viết mà dân tộc Nga chỉ chiếm thiểu số, làm nảy sinh xu hướng ly khai khỏi thể chế trung ương tập quyền.

Ngày 15-3-1990, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô bầu Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev làm tổng thống đầu tiên của Liên bang Xô viết với nhiệm kỳ 5 năm.

Liên bang Nga – chủ thể quan trọng nhất trong Liên bang Xô viết tuyên bố chủ quyền vào ngày 12-6-1990 và sau đó giới hạn áp dụng luật Xô viết, đặc biệt các luật lệ liên hệ tới tài chính và kinh tế, trên lãnh thổ Nga. Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao đề nghị tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn liên bang. Trong khi các nước cộng hòa vùng Baltic và các nước Armenia, Gruzia, Moldova tẩy chay thì đa số công dân của tất cả các nước cộng hòa khác trong liên bang đều thể hiện mong muốn gìn giữ Liên bang Xô viết. Sau nhiều cuộc đàm phán, 8 trong số 9 nước cộng hòa còn lại (ngoại trừ Ukraine) đã thông qua Hiệp ước Liên bang mới với mục tiêu biến Liên Xô thành một liên bang của những nước cộng hòa độc lập với một vị tổng thống, có chính sách đối ngoại và quân đội chung. Liên bang Nga, Kazakhstan và Uzbekistan dự định sẽ ký kết hiệp ước tại Moscow ngày 20-8-1991.

Như một sự an bài

Quân đội được triển khai tại Thủ đô Moscow trong những ngày xảy ra đảo chính ở Liên Xô

Yeltsin trở thành Tổng thống Nga thông qua cuộc bầu cử trực tiếp với chiến thắng vang dội. Theo thỏa thuận giữa Tổng thống Liên Xô Gorbachev với Tổng thống Liên bang Nga Yeltsin, Hiệp ước Liên bang mới phải được ký vào ngày 20-8. Tình thế này khiến cho nguyên soái Dmitri Yazov, lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô cũng như nhiều đảng viên cộng sản Liên Xô đang ở những vị trí cao trong bộ máy liên bang chợt hiểu ra rằng bằng cách đó, sự tan vỡ của Liên bang Xô viết đã có thể đếm từng ngày. Trước nguy cơ Liên Xô tan rã nếu Hiệp định Liên bang mới được ký kết đúng vào ngày 20-8, Chủ tịch KGB Kriuchkov đã đứng ra tập hợp lực lượng để “tìm cách giải nguy”. Chiều tối ngày 18-8, vào cuối buổi làm việc, ông Kriuchkov đã gọi điện cho một số người thân cận, mời tới một căn cứ quân sự tại Moscow bàn chuyện đại sự. Sau cuộc họp kín, họ quyết định cử một phái đoàn tới Crimea, nơi Gorbachev cùng gia đình đang đi nghỉ dưỡng. Họ đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Liên Xô đứng về phía họ và hủy bỏ việc ký Hiệp định Liên bang mới, nhưng đã không thành công.

Đúng 6 giờ 5 ngày 19-8 tại Moscow, Phó Tổng thống Liên Xô Gennady Yanayev đã công bố sắc lệnh bất thường về việc Tổng thống Gorbachev do tình trạng sức khỏe suy yếu nên không thể đảm đương được chức trách của mình và bắt đầu từ ngày 19-8, ông Yanayev sẽ đảm nhận cương vị quyền Tổng thống Liên Xô. Lúc này, tại biệt thự nghỉ dưỡng của mình ở Crimea, Gorbachev và gia đình bị quản thúc. Khi bị ép phải tuyên bố từ chức, ông ta thẳng thừng từ chối.

6 giờ 15 phút, ban lãnh đạo mới của Liên Xô ban bố lệnh áp dụng tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực trong thời hạn 6 tháng. Một ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKCHP) đã được thành lập, đứng đầu là quyền Tổng thống Liên Xô Yanayev; các thành viên còn lại của ủy ban gồm Chủ tịch KGB Vladimir Kriuchkov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitri Yazov, Thủ tướng Valentin Pavlov… 9 phút sau, GKCHP đã ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào và nhận trách nhiệm nắm giữ vận mệnh Liên Xô.

Quyền Tổng thống Yanayev cùng các thành viên GKCHP ngay lập tức lên Đài Truyền hình và Phát thanh quốc gia đưa ra một tuyên bố đanh thép buộc tội chính quyền Gorbachev, nhưng giọng điệu yếu ớt và bàn tay run rẩy của Yanayev không giấu nổi trước ống kính máy quay khi đang phát biểu ngay lập tức khiến mọi người có cảm giác ông này không phải là người có thể vãn hồi được trật tự xã hội.