Thuyết minh cho du khách về lịch sử chùa Côn Sơn Người kết nối các giá trị văn hóa
TMVDL không chỉ là người thuyết minh viên, giới thiệu cho khách thuần túy mà còn là người thổi hồn vào các di tích, hiện vật, danh lam, thắng cảnh… làm sống dậy từng điểm du lịch, các di tích lịch sử để những di sản đó tồn tại mãi theo thời gian, điều đó có ý nghĩa sâu sắc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng.
Việc thuyết minh cho du khách hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử của một địa danh nào đó có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là khách quốc tế tới Việt Nam. Trong khi, thế mạnh của tỉnh ta là du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch sinh thái ngày càng được khẳng định và phát triển.
Người làm nhiệm vụ thuyết minh tại điểm có kiến thức chuyên môn sâu tại điểm du lịch mà mình phụ trách. Họ có thể là một giáo viên, một chuyên gia, một nhà nghiên cứu, một “lão làng” trong mọi lĩnh vực nhất định nào đó.
Mỗi công việc đều có cái “khó” của nó nhưng nghề TMVDL còn đặc biệt hơn rất nhiều. Chỉ bằng giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, họ phải truyền đạt được nét đặc trưng, giá trị văn hóa – lịch sử của mỗi đối tượng tham quan tới du khách du lịch sao cho dễ hiểu, dễ nhớ và xúc động nhất.
Chị Lê Thị Phượng thuộc Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, người đã đạt giải nhất trong cuộc thi Thuyết minh viên Du lịch Hải Dương năm 2014 chia sẻ: thuyết minh là một nghề đặc biệt đòi hỏi người thuyết minh phải có kiến thức, trách nhiệm và tinh thần quảng bá, lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử. Tôi rất tự hào được sinh ra trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, mỗi lần thuyết minh xong về di tích là một lần tôi được bày tỏ lòng tri ân tới các bậc hiền nhân, tự hào khi được hướng dẫn, giới thiệu cho du khách hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo.
Công việc thuyết minh tại điểm tuy không vất vả như nghề hướng dẫn viên nhưng cũng đòi hỏi nhiều yếu tố cần thiết như: kỹ năng giao tiếp với đám đông, nắm bắt được tâm lý người nghe, khả năng giải quyết tình huống linh hoạt, khéo léo và phải có kiến thức chuyên sâu về văn hóa, lịch sử của địa phương và dân tộc. Đặc biệt, họ đều có một chất giọng truyền cảm, cuốn hút người nghe. Trong quá trình thuyết minh họ biết cách lồng ghét những câu chuyện kể một cách hợp lý, dẫn dắt người nghe vào những khung cảnh phù hợp với nội dung trưng bày tạo bảo tàng, điểm du lịch hay các danh nhân, cảnh quan tự nhiên của khu du lịch.
Theo Khoản 1 Điều 72 của Luật du lịch thì Hướng dẫn viên du lịch bao gồm hướng dẫn viên quốc tế, hướng dẫn viên nội địa” còn theo Khoản 1 Điều 78 “Thuyết minh viên là người thuyết minh tại chỗ cho du khách trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch”. Tất nhiên, vai trò của họ chắc chắn khác nhau. Với Hướng dẫn viên, họ phải theo đoàn suốt tuyến, trên mọi cung đường, và kiến thức của họ không đòi hỏi phải chuyên sâu như TMVDL nhưng có thể họ lại có kiến thức sâu rộng hơn TMVDL. Trên mỗi cung đường, Hướng dẫn viên đều thuyết minh cho khách về các điểm đến. Đến địa điểm thăm quan thì mọi công việc dường như lại được chuyển giao cho TMVDL như chủ nhà mời khách thăm quan và thưởng thức các “món ăn” tinh thần, đưa du khách từ cung bậc cảm xúc này đến cung bạc cảm xúc khác.
Quả thật như vậy, mỗi TMVDL ở đây đều phải làm sao thổi hồn vào các di tích, danh nhân, cảnh quan thiên nhiên. Như vậy, TMVDL tại Côn Sơn – Kiếp Bạc phải làm sao trong bài thuyết minh của mình có thể đưa du khách trở về với âm hưởng hào hùng của các thuyền quân trên sông Lục Đầu, âm vang thắng lợi của trận Vạn Kiếp – Chiến công oanh liệt của quân – dân đời Trần 1285 – 1287, để khơi dậy trong tâm trí mỗi du khách niềm tự hào dân tộc, hay xúc động và rơi nước mắt khi thuyết minh về Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi, về cuộc đời và sự nghiệp, vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc. Chị Phượng chia sẻ thêm: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc đón và thu hút rất nhiều đối tượng du khách, bởi vậy khi dẫn khách vào không gian lịch sử văn hóa của mỗi di tích, chúng ta phải dẫn thế nào để người xem có thể tưởng tượng như mình đang sống trong không khí hào hùng của ông cha ta thuở xưa để người xem và nghe có thể hiểu được những giá trị to lớn của những chiến công đó, tất nhiên du khách tham quan đến với khu di tích thuộc nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau: học sinh, sinh viên, người già, cựu chiến binh…, vì vậy chúng tôi luôn phải có cách dẫn riêng, chọn lọc kiến thức cho hợp với đối tượng và cảm xúc nói mỗi lần cũng khách nhau. Quan trọng hơn cả là mỗi TMVDL như chúng tôi đều phải ý thức được nhiệm vụ mình đang làm, có ý nghĩa quan trọng thế nào đến hình ảnh và con người Hải Dương, phải làm sao để mỗi TMVDL là nhân chứng lịch sử, người lưu giữ “hồn” của dân tộc, kết nối các giá trị văn hóa.
Liên tục trau dồi nghiệp vụ Hướng dẫn, Thuyết minh
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 100 TMVDL đang công tác tại các khu, điểm du lịch, tập trung chủ yếu ở khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, Đảo Cò, Đền Cao – Động Kính Chủ. Phần lớn đội ngũ TMVDL chuyên nghiệp của tỉnh đã được đào tạo ở các cơ sở đào tạo có ngành du lịch, có 54% tổng số TMVDL hiện nay sử dụng được tiếng Anh.
Thuyết minh viên gần như là người tiếp xúc đầu tiên với mỗi du khách tại điểm đến, vì vậy từ phong cách ứng xử, giao tiếp và kiến thức chuyên môn đều phải rất cẩn trọng và tinh tế. Nghề thuyết minh viên ở tỉnh ta mặc dù chưa có chương trình cấp chứng chỉ, nhưng các thuyết minh viên đã phần nào đáp ứng được công việc tại đơn vị mình, bên cạnh đó còn nhiều khu điểm chưa có thuyết minh viên thường trực và mỗi khi cần thì phải nhờ đến các cán bộ chuyên ngành của Phòng Văn hóa thông tin hoặc cán bộ Văn hóa xã. Đồng thời lực lượng thuyết minh trên địa bàn tỉnh ta nhìn chung còn mỏng và yếu về chất lượng, trình độ ngoại ngữ còn hạn hẹp chưa đáp ứng được với những công việc đòi hỏi trình độ cao, chuyên sâu và hội nhập khu vực.
Có lẽ, nghề thuyết minh cũng như một số ngành nghề đặc thù khác, không phải ai cũng có thể làm tốt công việc này. Nghề này kén người, kén nết, kén trí tuệ. Bởi vậy, việc tuyển chọn TMVDL của mỗi đơn vị là rất quan trọng, nếu không tuyển chọn kỹ thì vô hình chung người TMVDL không giỏi chuyên môn, không linh hoạt trong tình huống sẽ làm cho du khách không hài lòng, sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác. Chính vì vậy, nghề này đòi hỏi phải có sự nhạy cảm, đam mê và tinh tế rất cao.
Ông Lê Duy Mạnh – Phó ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: Hiện nay tỉnh ta chưa có một cơ sở nào đào tạo chuyên ngành về thuyết minh viên. Vì vậy, bên cạnh kiến thức về chuyên ngành, chuyên môn, nên thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn để giúp thuyết minh viên tại điểm cập nhật kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và những vấn đề mới đang và sẽ đặt ra cho bản thân họ. Những lớp bồi dưỡng này có thể được tổ chức trong dịp mùa lễ hội du lịch, nhưng nghiêm túc, có chất lượng cả về đội ngũ dạy, tài liệu học tập – tham khảo và cả về điều kiện thực hành.
Bên cạnh đó cần thường xuyên, duy trì tổ chức các cuộc thi cho thuyết minh viên mang tính chuyên môn nghiệp vụ tại các điểm du lịch, khu di tích hoặc giữa các di tích với nhau để động viên sự tìm tòi, sáng tạo của mỗi người, đóng góp vào khối kiến thức cần có của thuyết minh viên có cơ hội, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Một trong những nhiệm vụ cấp của ngành du lịch tỉnh Hải Dương được xác định phải tập trung làm chuyển biến tích cực trong thời gian tới đó là nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch, trong đó có thuyết minh viên du lịch tại điểm. Đây là mấu chốt góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Hải Dương, đồng thời hình thành và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, từng bước đưa hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp cao, thích ứng với thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, ngành đã liên tục liên kết và tổ chức nhiều khóa học bồi dưỡng cho nguồn nhân lực du lịch của Hải Dương trong đó có thuyết minh viên. Như năm 2014, Sở đã tổ chức thành công Hội thi thuyết minh viên tỉnh Hải Dương lần thứ I, thu hút hàng chục thuyết minh viên của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tham gia; năm 2015, Sở VHTTDL đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức khóa học 7 ngày tại thị xã Chí Linh thu hút hơn 50 thuyết minh viên từ các đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia. Qua hội thi, các hướng dẫn, thuyết minh viên có dịp trau dồi nghiệp vụ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, bổ sung thêm kiến thức, hiểu biết và các kỹ năng của thuyết minh viên. Đặc biệt là thể hiện vai trò của người thuyết minh viên du lịch Việt Nam với cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch và tại các cơ quan, đơn vị đón, phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu thông tin trên địa bàn tỉnh. Được biết, Hội thi thuyết minh viên lần thứ II dự kiến sẽ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức vào năm 2016.
Ông Mạnh cho biết thêm: “Để phát triển được nguồn lực du lịch có chất lượng cao đặc biệt là TMVDL thì cần phải có những giải pháp tối ưu và hiệu quả như: thường xuyên liên kết với các trường Đai học có chuyên ngành Du lịc hay Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ; tổ chức các cuộc thi để cọ xát kinh nghiệm, cần tuyển các TMVDL có trình độ được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành du lịch như Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn hay Viện Đại học Mở…, bên cạnh đó các đơn vị cần có những bài kiểm tra định kỳ đối với các TMVDL để các TMVDL có điều kiện nắm chắc về kiến thức; các đơn vị có cần tổ chức các chuyến đi thực tế cho TMVDL đến cac điểm di tích có các TMVDL chuyên nghiệp để học hỏi kinh nghiệm như: Văn miếu Quốc Tử Giám, quê Bác, Khu di tích Phủ chủ tịch… “.
Ngoài chuyên môn, công tác giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghiệp vụ, lập trường chính trị vững vàng cho đội ngũ thuyết minh viên cũng là nhiệm vụ rất cần thiết nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng cường hiệu quả công tác thuyết minh, giới thiệu và hướng dẫn.
Cũng cần nói thêm để phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của người TMVDL, cần thiết phải xây dựng quy chế, trên cơ sở đó xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của thuyết minh viên. Đồng thời phải có những chế độ đãi ngộ với thuyết minh viên, nhất là đối với những người làm công tác thuyết minh ở những điểm di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, An Phụ – Kính Chủ, Đỏ Cò, đặc biệt là các khu, điểm du lịch ở những xã xa trung tâm ít khách tham quan. Có như vậy mới khuyến khích, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, phát huy hết sức mình vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.
Nguyễn Thế Anh Nguồn: Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lich – số 5 (110) tháng 9-2015