1. Trẻ bị nghẹt mũi kéo dài là do đâu?
Nghẹt mũi là tình trạng một hoặc cả hai lỗ mũi bị bít tắc do dịch nhầy hoặc có hiện tượng viêm nhiễm khiến trẻ bị khó thở, nhiều lúc phải thở bằng miệng. Theo đó nếu trẻ không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn và có thể dẫn đến biến dạng trên gương mặt.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nghẹt mũi kéo dài, đầu tiên có thể là do tình trạng viêm cấp tính tại mũi do nhiễm vi rút (như bệnh cảm cúm). Trong trường hợp này, ngoài nghẹt mũi, trẻ còn có biểu hiện hắt hơi, đau họng và ho.
Nguyên nhân thường gặp thứ hai là viêm mũi dị ứng. Trong đó, trẻ còn có các biểu hiện như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mắt. Đặc điểm đặc trưng để nhận dạng viêm mũi dị ứng là trẻ có hắt hơi liên tục và thường là nghẹt cả hai bên mũi. Bệnh xảy ra nhiều nhất trong mùa hoa nở hoặc biểu hiện dai dẳng quanh năm do nấm mốc, bọ nhà, dán, lông thú cưng, bụi, v.v.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp tình trạng viêm khác như viêm mũi vận mạch, viêm mũi vị giác, viêm mũi nhiễm khuẩn.
2. Nghẹt mũi kéo dài không được điều trị sẽ gây ra hậu quả gì?
Nghẹt mũi kéo dài không được điều trị sẽ có nguy cơ trở thành mãn tính và gây ra các biến chứng đường hô hấp. Mức độ nghiêm trọng của biến chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu trẻ bị ngạt mũi do nhiễm vi rút, biến chứng hay gặp có thể xảy ra là nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm xoang.
Nếu trẻ bị ngạt mũi do viêm nhiễm, trẻ có thể bị giảm khả năng nghe do viêm phù nề, đọng mủ làm tắc nghẽn đường lưu thông giữa mũi và tai. Viêm mũi kéo dài còn có thể gây viêm nhiễm ở mắt như viêm túi lệ, viêm màng tiếp hợp, viêm mí mắt. Nếu trẻ bị nghẹt mũi kéo dài, nguy cơ biến dạng khuôn mặt cũng có thể xảy ra, biểu hiện là hẹp hàm ếch, răng vẩu, cằm nhô ra, lồng ngực xẹp, v.v.
Ngoài ra, nghẹt mũi còn ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ như trẻ trở nên chậm chạp, kém linh hoạt, hay nhức đầu, khó tập trung, v.v. Nếu trẻ có biểu hiện nghẹt mũi lâu ngày và/hoặc kèm theo các triệu chứng dịch mũi có màu vàng, xanh, đau đầu, đau tai, sốt cao, ho nhiều, tức ngực thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bệnh ngay.
3. Phải làm sao khi trẻ bị nghẹt mũi kéo dài?
Nghẹt mũi kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, triệu chứng nghẹt mũi có thể biến mất nếu trẻ được điều trị đúng cách. Theo đó, các bậc cha mẹ có thể chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi bằng các cách sau đây:
Xông hơi hoặc tắm cho trẻ bằng nước nóng sẽ giúp phần nào giảm triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ. Bởi khi hơi nước bay vào mũi sẽ làm loãng dịch nhầy. Biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, chỉ giảm nghẹt mũi trong thời gian ngắn.
Xịt nước muối cũng là một biện pháp giúp giảm viêm mũi và nghẹt thở. Phụ huynh có thể mua nước muối xịt mũi tại nhà thuốc hoặc pha chế tại nhà với nước ấm và muối sạch. Biện pháp này cũng giúp xả sạch dịch nhầy khỏi mũi xoang, làm đường mũi thông thoáng dễ thở. Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, dung dịch xịt rửa phải vô khuẩn, ấm.
Chườm nóng với khăn ẩm là biện pháp tiếp theo mà các bậc phụ huynh nên dùng. Chườm nóng ở mức độ vừa phải tránh làm bỏng da trẻ. Chườm nóng như vậy có thể làm cảm giác tắc nghẽn và nặng ở mũi, mặt.
Hít tinh dầu cũng có thể làm giảm triệu chứng viêm mũi và dễ thở hơn. Thực hiện đơn giản bằng cách nhỏ vài giọt tinh dầu vào bát nước sôi và hít hơi nước.
Nếu nghẹt mũi do dị ứng thì có thể cho trẻ dùng thuốc dị ứng theo đơn của bác sĩ. Phụ huynh nên chú ý liều lượng và phân biệt tác dụng phụ bình thường và tác dụng phụ nghiêm trọng để kịp thời báo với bác sĩ.
Thuốc chống sung huyết cũng được sử dụng ở trẻ, có tác dụng gây co mạch, giảm sung huyết trong niêm mạc mũi và giảm nghẹt mũi. Có một số loại thuốc xịt mũi có thể sử dụng không cần kê đơn. Tuy nhiên, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác và dặn dò sử dụng thuốc đúng cách.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên cho trẻ uống đủ nước, bởi khi cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ làm giảm độ đặc chất nhầy ở mũi, đẩy chất nhầy khỏi mũi, giảm áp lực trong xoang, giảm viêm.
Trẻ bị nghẹt mũi kéo dài có thể để lại nhiều biến chứng nếu như không được thăm khám và điều trị sớm. Nếu các phương pháp chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi tại nhà không thuyên giảm thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để bệnh có những diễn biến nguy hiểm xảy ra.
Khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín, tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sổ mũi, viêm mũi, sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ,… Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, điều trị hiệu quả, hiểu tâm lý trẻ nhỏ, thường xuyên được tham gia các hội thảo y khoa của các chuyên gia nước ngoài, giúp các bệnh nhi được tiếp cận với các phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Nếu bé bị nghẹt mũi kéo dài kèm biến chứng thì sẽ được điều trị ngay tại khoa Nhi mà không phải chuyển sang bất cứ khoa nào khác. Khoa Nhi của Vinmec có đầy đủ các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp, dinh dưỡng, ung bướu… rút ngắn thời gian điều trị và đạt được kết quả điều trị tốt hơn.
Nếu có nhu cầu khám cho bé tại Vinmec, bạn vui lòng đặt lịch trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được tư vấn chi tiết.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.