Bản sắc dân tộc và lợi ích thiết thân
Nước Anh thống nhất (UK) có tên gọi đầy đủ là Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, gồm 4 vùng là England (nước Anh), Wales (xứ Wale), Scotland và Bắc Ireland. Với cách phân chia các vùng như vậy, trong khi người Anh nói chung được gọi là British, thì nhiều người ở các vùng khác nhau thích tự gọi mình là English, Scottish, Welsh… tùy thuộc vào khu vực họ đang sinh sống.
“Những nhân viên chăm sóc y tế đó, một nửa trong số họ không nói được tiếng Anh”, một cử tri lớn tuổi tên là Joyce tâm sự với phóng viên của Guardian. Những người này tỏ ra bức xúc khi số lượng nhân viên chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho mình là người nhập cư ngày một nhiều hơn, trong khi chất lượng dịch vụ y tế theo họ là “càng lúc càng giảm sút và quá tải” vì cắt giảm ngân sách.
“Chúng tôi muốn sống lại những ngày xưa ấy, khi chúng tôi là những người có vị thế lấn át. Thế nên khi phe Brexit nói rằng nếu rời khỏi EU, chúng tôi sẽ lấy lại được đất nước và khôi phục chủ quyền của mình, chúng tôi cảm thấy bị thuyết phục”, một cử tri cao tuổi tên là Cecil nói.
Trong khi đó, phe vận động cho phương án ở lại EU dường như đã bỏ qua đối tượng quan trọng này. Chiến dịch vận động của họ tập trung vào khía cạnh kinh tế và an ninh mà không để ý tới phúc lợi của người già, khiến tầng lớp này dường như cảm thấy bị xúc phạm.
Luke Reader, chuyên gia về chủ nghĩa quốc tế, cho rằng ẩn sâu dưới những bức xúc về tình trạng nhập cư, phúc lợi xã hội ở Anh chính là nỗi giận dữ của người dân trước tình trạng suy thoái kinh tế dai dẳng và sự yếu kém của chính phủ trong việc huy động nguồn lực tài chính, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của những người cần nhất. Các vấn đề khác như tình trạng nhập cư chỉ là bề nổi của tảng băng chìm này.
Sự thờ ơ của người trẻ
Kết quả thống kê do FT thực hiện cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tăng lên theo độ tuổi. Trong khi số người đi bỏ phiếu ở độ tuổi 18-24 chỉ là 43%, độ tuổi 25-34 là 54%, tỷ lệ này ở người trên 65 tuổi là hơn 78%. Theo Prendergast, nếu như có nhiều người trẻ ở Anh đi bỏ phiếu hơn, kết quả cuộc trưng cầu dân ý có lẽ đã khác, và Anh có thể sẽ không rời khỏi EU.
Nỗ lực của họ dường như chỉ phát huy hiệu quả ở những ngày cuối cùng, khi khoảng 2,6 triệu cử tri đổ tới các điểm bầu cử để đăng ký bỏ phiếu từ 15/5 tới hạn chót 9/6, trong đó có rất nhiều người là thanh niên trẻ. Tuy nhiên điều đó không thay đổi một thực tế rằng rất nhiều người trẻ ở Anh không thực sự quan tâm đến cuộc trưng cầu, để rồi sau đó phải hối tiếc khi họ nhiều khả năng sẽ không còn là công dân EU như trước kia nữa.
Sự hối tiếc đó thể hiện một phần ở đơn kiến nghị tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý, với gần 3,5 triệu người ký tên vào lá đơn này. Prendergast cho rằng có vẻ như người trẻ ở Anh đã phần nào “thức tỉnh” khi nhận ra rằng sự thờ ơ với chính trị của họ có thể gây tác động lớn lao tới chính tương lai của mình.
“Một tiến trình dân chủ đã khiến nước Anh quyết định rời khỏi EU. Chưa bao giờ tiến trình dân chủ lại có một biểu hiện đầy đau đớn như vậy, nhưng nếu nó có thể khiến thế hệ trẻ quan tâm tới vấn đề chính trị hơn, đó cũng là điều tốt”, Prendergast nhận định.
Trí Dũng