Lê Hồng Lâm
Viết từ Sài Gòn
Dù là một bộ phim độc lập không hề có yếu tố thương mại, lại phát hành trong giai đoạn hậu Covid khi tình hình rạp chiếu bóng tại Việt Nam vẫn chưa được phục hồi, Ròm đã gây một bất ngờ lớn khi thu về 30 tỷ đồng tiền vé với hơn 400.000 lượt xem chỉ sau 3 ngày chiếu chính thức cuối tuần qua.
Không chỉ vậy, bộ phim này còn lập kỷ lục khi trở thành phim có doanh thu mở màn cao nhất năm 2020 đến thời điểm hiện nay, tính cả phim ngoại lẫn phim nội.
Thành tích này vượt ngoài dự đoán và mong đợi của nhà sản xuất lẫn giới quan sát thị trường điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, bộ phim này lại nhận được những phản hồi không đồng thuận, thậm chí trái ngược từ khán giả xem phim.
RÒM ĂN KHÁCH NHƯNG GÂY CHIA RẼ KHÁN GIẢ
Như đã nói ở trên, Ròm không có những yếu tố thương mại để gây “hit” tại phòng vé Việt Nam, thị trường điện ảnh mà số đông khán giả vẫn quan tâm đến những bộ phim giải trí hợp thị hiếu, dễ xem.
Tuy nhiên, tâm lý tò mò, hiếu kỳ của khán giả đối với một bộ phim được giải quốc tế nhưng từng bị Cục Điện ảnh kiểm duyệt, phạt tiền và chịu một cái “án treo” khiến họ đổ xô đến rạp xem phim vào cuối tuần qua. Tâm lý này phần nào cũng tương tự như hiện tượng Bát Bách ở điện ảnh Trung Quốc gần đây. Cái gì càng bị kiểm duyệt thì càng gây tò mò cho khán giả.
Một lý do khác nữa là bộ phim được phát hành đúng “điểm rơi” thiên thời, địa lợi nhân hòa. Nếu Ròm phát hành ngay sau khi đoạt giải tại Busan, chưa chắc bộ phim gây được tiếng vang như vậy, nhất là ở thời điểm phải cạnh tranh với nhiều bộ phim bom tấn của Hollywood lẫn phim nội địa.
Nhưng sau gần một năm bị cấm chiếu, rồi bị hoãn chiếu do làn sóng dịch Covid lần thứ 2 khiến bộ phim càng gây được tò mò, hiếu kỳ cho người xem. Câu chuyện truyền cảm hứng về nỗ lực làm bộ phim độc lập trong suốt 8 năm trời của một ê kíp trẻ, tài năng cũng nhận được sự thiện cảm lớn của khán giả Việt.
Và sau khi được chiếu chính thức vào cuối tuần qua, bộ phim đã tạo nên một hiện tượng lớn tại phòng vé, đặc biệt là với dòng phim độc lập. Ròm đã lập được một kỷ lục chưa từng có với phim độc lập, và cũng rất hiếm phim thương mại giải trí làm được điều đó.
Tuy nhiên, bộ phim cũng gây chia rẽ khán giả, thậm chí hoàn toàn trái chiều nhau. Một bộ phận khán giả yêu thích và khen ngợi bộ phim về đề tài, tính hiện thực và đặc biệt là nghệ thuật quay và dựng của bộ phim.
Nhưng một số khán giả khác, lại chê bộ phim gây hụt hẫng, nhạt và khiên cưỡng.
Khán giả Dương Đỗ nhận xét: “Công bằng mà nói, lẽ ra Ròm đã có thể thành một Slumdog Millionaire của Việt Nam. Có quá nhiều đề tài để xây dựng tính cách nhân vật . Và một bộ phim drama thật chất. Nhưng cuối cùng, Ròm cũng chẳng thể thoát ra khỏi điểm yếu chung của rất nhiều phim Việt Nam hiện giờ: NHẠT. Vì kịch bản yếu. Điều duy nhất còn đọng lại là một Sài Gòn rất cũ. Một Sài Gòn của những đứa trẻ lớn lên ở thập niên 90.”
Một nhà báo khác, lên tiếng gay gắt hơn: “Có nhẽ trình của mình chưa đủ để thấu được Ròm. Nhạt. Tệ. Khiên cưỡng. Diễn viên chính thiếu duyên tuyệt đối. Không đọng lại bất kỳ một mi li gam cảm xúc nào. À có. Là sự khó chịu. Nói Ròm chán thì oan. Mà chính xác phải là rất chán”.
Tại sao Ròm lại gây chia rẽ khán giả như vậy?
Có lẽ cần phải có cái nhìn công bằng hơn về bộ phim này thay vì những lời tung hô có cánh hoặc những lời chê bai nặng nề, công kích vào bộ phim độc lập đang trở thành hiện tượng rất hiếm có này của điện ảnh Việt.
THẾ MẠNH KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN HAY NHỊP ĐIỀU CUỒNG LOẠN CỦA RÒM
Ròm là một phim “coming of age” (phim về giai đoạn trưởng thành) của Trần Dũng Thanh Huy, có hơi hướng “neorealism” (tân hiện thực) về cuộc sống dưới đáy của những đứa trẻ bán vé dò, nhưng đằng sau đó còn bao thân phận khốn khó mong đổi đời nhờ trò đỏ đen trong một khu chung cư cũ chờ giải tỏa. Cuộc sống trong phim thì ngột ngạt tăm tối, nhưng mạch phim thì đầy năng lượng và chực chờ bùng nổ.
Phim được phát triển từ phim ngắn từng đoạt nhiều giải thưởng 16:30 của Huy, nhưng không còn giữ cái kết “nhân văn phải đạo” như phim gốc nữa. Trần trụi, khốc liệt và đôi lúc ngợp thở vì những cuộc rượt đuổi bất tận của hai nhân vật chính.
Người thầy và là một trong những cố vấn của bộ phim là đạo diễn nổi tiếng Trần Anh Hùng, vì vậy mà ta có thể thấy Ròm có khá nhiều điểm tương đồng với bộ phim Xích lô của đạo diễn Pháp gốc Việt nói trên, đặc biệt là việc sử dụng những chất liệu đường phố và cuộc sống của những kẻ bên lề xã hội.
Ròm, dù không phải là một bộ phim khốc liệt pha trộn với chất thơ và những ẩn dụ gây bối rối cho người xem như Xích lô nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Đó đều là hai bộ phim của những kẻ nghèo hèn, vật vã sống và mưu sinh trong một thành phố đông đúc và hỗn tạp, nơi mà những thân phận của những kẻ bên lề càng lúc càng bị đẩy xuống tận cùng dưới đáy xã hội. Ròm và nhân vật lái xích lô đều có hai gương mặt như bước lên từ địa ngục, từ bối cảnh xuất thân, sự quẫn bách quẫy đạp của mưu sinh và dần dần bị đẩy vào bạo lực – không thể khác. Tôi cũng thấy ở Ròm những hiệu quả về thị giác mà Xích lô đã quá thành công. Máu và mồ hôi, bùn nhơ và nước đọng, khu chung cư tồi tàn, khu ổ chuột và cống rãnh hôi hám trở thành những thứ đặc quánh lại, nơi mà hai nhân vật này càng cố ngoi lên thì càng bị lún xuống. Bộ phim kéo xộc khứu giác của người xem vào thẳng từng khuôn hình để cảm được tất cả những thứ mùi lầm than tăm tối ấy.
Khi trao giải Phim đầu tay (hoặc thứ hai) hay nhất trong hạng mục New Currents (Dòng chảy mới) tại LHP Busan tháng Mười năm ngoái, trưởng BGK của hạng mục này, đạo diễn người Anh Mike Figgis (tác giả của bộ phim từng nhận 4 đề cử Oscar là Leaving Las Vegas) đã nhận xét về Ròm khá ngắn gọn như sau: “Việc sử dụng các bối cảnh thực tế và sống động trong Ròm đã gây ấn tượng mạnh với BGK và để lại một cái một cái kết làm thỏa mãn”.
Với những khán giả yêu thích bộ phim, Ròm đã gây ấn tượng cho họ bằng ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ và có tính thể nghiệm của dòng phim độc lập, đặc biệt là nghệ thuật kể chuyện bằng chuyển động (movement) đầy hiệu quả trong phim.
Trong một phát biểu về sức mạnh của chuyển động trong điện ảnh, huyền thoại điện ảnh Nhật Bản Akira Kurosawa từng nói: “Bạn biết đấy, chỉ có kích thích thị giác mới thu hút được khán giả, đó là lý do chúng ta làm phim. Còn không thì chúng ta chỉ cần tắt đèn và gọi nó là radio”. (You know, it’s the visual stimulation that hits the audience. That’s the reason for film. Otherwise, we should just turn the light out and call it radio).
Kurosawa cũng cho rằng, nhờ có chuyển động theo ngôn ngữ của điện ảnh mới kích thích được thị giác của người xem và phân biệt sự khác nhau giữa nghệ thuật thứ bảy với các loại hình nghệ thuật khác.
Nếu coi chuyển động là yếu tố quan trọng nhất trong điện ảnh, như lời của bậc thầy điện ảnh Nhật Bản, thì quả thực ê kíp làm phim của Ròm đã tạo ra được một nhịp điệu cuồng loạn và gây được ấn tượng thị giác mạnh mẽ.
Những chuyển động hiệu quả nhất trong Ròm là chuyển động của nhóm người trong khu chung cư cũ. Đạo diễn đã phát huy được thế mạnh khi dàn cảnh với nhiều người trong một khung hình, đẩy cảm xúc lên mạnh mẽ khi tất cả họ cùng chuyển động. Cảnh họ háo hức chờ kết quà số đề, giận dữ khi thua tiền hoặc vui mừng khi trúng số, hay cảnh sinh hoạt múa hát ban đêm… đều được máy quay nắm bắt và xử lý một cách sinh động.
Trong khi đó với chuyển động cá nhân, với những cuộc rượt đuổi hay chạy bất tận của Ròm và đối thủ của cậu là Phúc, máy quay trở nên sáng tạo khi bám sát từng diễn biến tâm lý của hai nhân vật, giúp khán giả nắm bắt được cảm xúc của từng nhân vật. Nhiều phân đoạn phim gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ khi hai nhân vật len lỏi chạy giữa những con hẻm chật chội, rượt đuổi nhau trên mái nhà, trên đường phố đông đúc hỗn tạp hay đánh nhau giữa đường ray xe lửa khi đoàn tàu đang từ từ tiến đến…
Chuyển động của máy quay đầy uyển chuyển, tạo được nhịp điệu cho từng khuôn hình và nhịp điệu tổng thể. Trong khi đó chuyển động trong cắt dựng, đặc biệt là những cú dựng tiếp nối từ cảnh chuyển động này sang cảnh chuyển động sang khiến bộ phim tạo được một nhịp điệu cuồng loạn và khó rời mắt vì khán giả không biết cảnh gì sẽ xảy ra tiếp theo.
KỊCH BẢN MỚI DỪNG LẠI Ở MỨC PHÁC THẢO & THIẾU SỨC NẶNG
Với những khán giả kỳ vọng bộ phim tái hiện được một điều gì đó có tính thông điệp hoặc biểu tượng về hiện thực của người nghèo ở đô thị Việt Nam hay một kịch bản giàu kịch tính với những nhân vật có số phận, khiến họ khó quên khi ra khỏi rạp chiếu, thì Ròm có lẽ chưa đáp ứng được. Đấy là lý do khiến không ít khán giả phản hồi tiêu cực về bộ phim.
Các nhân vật trong phim mới chỉ dừng lại ở mức ký họa, phác thảo qua con mắt nhìn hiện thực chủ quan của đạo diễn hơn là xây dựng họ như những nhân vật có số phận rõ ràng, hay có đầu có cuối. Nhiều nhân vật phụ xuất hiện khá khiên cưỡng hoặc không có động cơ hoặc mục đích rõ ràng.
Là người xem qua hai bản dựng, bản chưa qua kiểm duyệt và bản chiếu tại rạp hiện nay, tôi có thể khẳng định rằng, lỗi không hẳn do kiểm duyệt. Đó có thể là chủ ý của đạo diễn khi tái hiện một hiện thực qua mắt nhìn của anh, hoặc cũng có thể nói kịch bản không phải là thế mạnh của đạo diễn khi anh tập trung nhiều hơn vào ngôn ngữ kể chuyện của bộ phim.
Đạo diễn nổi tiếng người Đức Wim Wenders trong cuốn Những bài học điện ảnh, từng nói rằng: “Tôi không muốn khái quát hóa, song tôi cảm thấy mục đích của thế hệ trẻ hôm nay là làm một điều gì đó mới mẻ. Phải gây ra bất ngờ, phải làm một điều chưa từng thấy, và, đôi khi chỉ có tính thị giác là đủ lý do để họ làm phim. Trong khi bổn phận của đạo diễn, theo tôi, trước hết phải có điều gì để nói, có ham muốn kể chuyện. Tôi đi đến kết luận này chỉ mới gần đây thôi. Khi bắt đầu làm phim, tôi cũng bất cần câu chuyện. Khi ấy, đối với tôi, chỉ có hình ảnh là quan trọng. Chỉ có tính chính đáng của hình ảnh, tính xác đáng của hoàn cảnh, chứ không phải là câu chuyện. Đó là một ý niệm xa lạ với tôi. Cùng lắm thì tổng cộng các hoàn cảnh có thể hợp thành một thứ gọi là câu chuyện, nhưng tôi hoàn toàn không tin có cái gì đó với khởi điểm, phát triển và kết thúc”.
Win Wenders nói rằng, mãi đến khi làm Paris, Texas (phim đoạt giải Cành cọ vàng tại Cannes năm 1984) ông mới giác ngộ điều này. Ông cho rằng, câu chuyện giống như dòng sông vậy. Nếu ta mạo hiểm đặt thuyền lên nước và tin tưởng vào con sông đó, thì nó sẽ đưa thuyền đi đến một cái gì thần diệu.
“Chính là qua Paris, Texas tôi mới hiểu rằng câu chuyện tự nó có, nó tồn tại độc lập với chúng ta. Không cần tạo ra nó, chính nhân tính làm cho nó tồn tại. Kể từ ngày đó, kể chuyện trở thành mục đích ngày càng mạnh mẽ hơn trong cách tôi tiếp cận điện ảnh; và mục đích tạo ra hình ảnh đẹp đã lùi vào hậu cảnh. Đôi khi, nó còn trở thành chướng ngại nữa. Khi tôi mới làm phim, nếu ai đó nói tôi tạo hình đẹp thì với tôi đó là lời khen lớn nhất. Bây giờ, nếu nghe điều đó tôi lại cảm thấy bộ phim đã hỏng.” – Wim Wenders nói tiếp.
Với Ròm, có lẽ vì quá chú trọng đến tính thị giác của hình ảnh, Trần Thanh Huy đã không đầu tư quá nhiều vào câu chuyện, hoặc có – nhưng chưa đủ sức nặng. Nhiều tuyến nhân vật xuất hiện một cách rối rắm hoặc xuất hiện/biến mất không có chủ đích. Hành trình của nhân vật Ròm ở điểm xuất phát và điểm kết thúc không có quá nhiều thay đổi và biến chuyển về tâm lý, gây ra sự bực bội cho không ít khán giả. Một vài nhân vật phụ khác, như người ghi số đề – bà Ghi (Cát Phượng đóng) – bị bỏ lửng một cách đáng tiếc, dù đây là nhân vật phụ thú vị nhất của bộ phim.
Việc chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn cũng gây cảm giác không thống nhất.
Diễn viên “ngôi sao” duy nhất của bộ phim – ở thời điểm này, chính là Wowy, người đang gây sốt nhờ vai trò huấn luyện viên hài hước trong chương trình Rap Việt. Tuy nhiên, vai diễn của anh trong bộ phim gây cảm giác thiếu hụt, ức chế. Thêm nữa, do chưa có kỹ năng diễn xuất nên cách biểu đạt cảm xúc của Wowy trong vai một đại ca giang hồ vặt có hơi hướng phim xã hội đen Hongkong những năm 90, nặng về biểu đạt hình thể, tỏ ra nguy hiểm không cần thiết. Vai diễn này ít hiệu làm phá hỏng đường dây kể chuyện rất “raw” – trần trụi, hiện thực của bộ phim mà đạo diễn đã tạo dựng khá thành công.
Ròm là một hiện tượng không thể phủ nhận của dòng phim độc lập ở Việt Nam và thậm chí còn mở ra một con đường cho dòng phim này tự tin khai phá những đề tài mang tính xã hội hoặc hiện thực ở Việt Nam hiện nay.
Nhưng có lẽ bên cạnh hiệu quả thị giác về hình ảnh, các đạo diễn cần chú trọng hơn đến câu chuyện và nhân vật để cân bằng lại, tạo được sức nặng làm thỏa mãn cho khán giả.